Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Tự làm tiêu âm phòng nghe


Khi bạn có ý định bố trí một không gian để nghe nhạc, vấn đề kiểm soát chất lượng âm học của phòng nghe là đặc biệt quan trọng bởi kết cấu phòng nghe, đồ đạc, trang trí nội thất… đều ảnh hưởng đến hiệu quả của âm thanh. Vậy cần phải chọn lựa vật liệu xử lý âm học như thế nào, đặt chúng ở đâu và “liều lượng” là bao nhiêu? Quan trọng hơn là có thể tự làm lấy các thiết bị xử lý này một cách hiệu quả và kinh tế hay không? Đôi nét về âm học phòng nghe

Trong một căn phòng, âm thanh từ nguồn âm lan truyền tới người nghe theo 2 cách:
- Thứ nhất, sóng âm đi trực tiếp từ loa tới người nghe, ta gọi đó là âm thanh trực tiếp hay trực âm.
- Thứ hai, sóng âm đến tai người nghe qua sự phản xạ, va đập vào các bề mặt tường, trần, sàn của căn phòng và các đồ vật trong phòng…, ta gọi đó là âm thanh phản xạ hay phản âm.

Vì mỗi căn phòng có kích thước và đặc tính âm học riêng biệt nên âm thanh của mỗi phòng có thể khác nhau khá nhiều. Chất lượng âm thanh khi nghe trong phòng phụ thuộc vào kích thước, vật liệu làm phòng, kích thước và vị trí các đồ vật đặt trong căn phòng đó. Về mặt lý thuyết, một vật liệu hút âm hoàn hảo sẽ hấp thụ toàn bộ năng lượng âm thanh mà không gây ra hiện tượng phản xạ nào. Có thể mô tả đặc tính hút âm như một ô cửa sổ mở toang trong một căn phòng: sóng âm đi qua đây và không bao giờ quay trở lại bên trong phòng và điều này tương đương với việc toàn bộ năng lượng âm thanh được “hút” vào khoảng trống trên bề mặt của cửa sổ. Như vậy, nếu như bất kỳ ai trong số chúng ta muốn hạn chế sự phản âm sẽ phải mở toang hết cả cửa sổ và cửa ra vào. Một điều khó mà xảy ra trong thực tế.
Nhưng một phòng nghe tạo ra âm thanh hấp dẫn, còn được gọi là âm thanh “đẹp”, không có nghĩa là phòng hút âm hoàn toàn. Ngược lại, âm thanh trong phòng vẫn phải có một độ vang âm nhất định, có như thế, người nghe mới có cảm nhận âm thanh thật hơn, tự nhiên hơn.

Nhận biết đặc điểm âm học phòng nghe của bạn

Cách đơn giản nhất để kiểm tra chất lượng phòng nghe là sử dụng phép thử sau:
- Nghe thử ở chế độ mono, cùng mức tín hiệu và âm lượng với cả hai loa.
- Đặt núm volume ở mức thích hợp, không quá lớn và cũng không quá nhỏ.
- Nghe một đoạn nhạc quen thuộc.
- Ngồi tại vị trí nghe tốt nhất (ngay chính giữa trục 2 loa)
- Tập trung xác định xem âm thanh rộng và vang bao xa.

Trong một phòng có âm thanh tốt, âm nhạc sẽ chỉ tập trung như là đang ở thẳng phía trước bạn. Nếu âm thanh nghe thấy ở cả ngoài xa, nghĩa là phòng nghe của bạn bị phản xạ nhiều. Cách thử độ vang của phòng nghe thông thường nhất là vỗ tay. Nếu tiếng vỗ tay nghe “khô” và tắt ngay lập tức, chứng tỏ phòng nghe của bạn tiêu âm khá tốt. nếu có tiếng dội, tiếng vang, bạn cần phải xử lý phòng nghe mới có thể nghe nhạc hay được.

Nói chuyện trong một căn phòng cũng biểu thị những đặc tính của trung âm. Đôi tai của bạn rất nhạy cảm đối với các tần số của giọng nói. Nếu giọng nói bình thường trong một căn phòng mà đã bị vang (oang oang) thì chắc chắn khi nghe nhạc, giọng hát cũng không thể nào ngọt ngào, trầm ấm.

Tự làm thiết bị xử lý âm học


Có rất nhiều phương pháp xử lý âm học phòng nghe. Trước hết và cũng là đơn giản nhất là bạn hãy xác định đúng vị trí đặt loa, hướng loa, bố trí các đồ nội thất và hướng ngồi nghe trong phòng sao không gây ra sự cản trở đối với âm thanh từ thùng loa.

Sau khi đã sắp xếp phòng nghe ổn định như trên, chúng ta sẽ nghe thử để xem âm thanh của bộ dàn như thế nào? Có dải âm nào quá thừa hay thiếu? có bị tiếng vang, tiếng dội hay không? Từ đó, có cơ sở để định hình cần làm những thiết bị âm học gì? Có nhiều hãng trên thế giới chuyên sản xuất các thiết bị xử lý âm học với chủng loại sản phẩm đa dạng và giá thành không phải thấp. Tuy nhiên, cấu tạo của các thiết bị xử lý âm học lại khá đơn giản, chúng ta có thể tự chế tạo lấy để sử dụng với một giá thành rất dễ chịu.

Tự làm hút âm tần số thấp:

Trong các căn phòng, đặc biệt phòng nhỏ hoặc ít đồ đạc tiếng bass thường hay bị dội nghe rất mệt. Các bạn có thể xử lý tiếng bass dội bằng cách đặt loa lên giá sắt nặng hoặc các chân côn kim loại để chống rung và trải một tấm thảm xuống sàn nhà, đặc biệt là khu vực gần nơi đặt cặp loa.
Tấm bass trap dán tường, đơn giản mà hiệu quả
Nếu tiếng bass vẫn còn dội, cần tiếp tục xử lý thêm các vật tiêu âm bass như sau:
- Tấm hút tiếng trầm, Tấm này được gắn trực tiếp lên mặt tường, mặt trần hoặc để trên chân kê sát tường.

Hộp cộng hưởng Hemholtz

Hộp cộng hưởng được gắn lên tường hoặc để lên sàn phía sau loa, sau vị trí người ngồi nghe. Cộng hưởng Hemholtz có hiệu quả triệt tiếng trầm rất tốt. Tuy nhiên kích thước hơi cồng kềnh.

Cột chân voi

“Cột chân voi” là cách gọi của dân chơi đối với cột tiêu tiếng trầm kê góc, còn gọi là “bass trap”. Chân voi thường được đặt ở 4 góc phòng để triệt sóng đứng do tiếng trầm tạo ra. Tuy nhiên, chân voi cũng có thể phân bố rải rác dọc các bức tường sau loa và 2 tường bên. Nhìn chung, chân voi vừa có tác dụng tiêu âm, vừa có tác dụng tán âm bass.
Cột chân voi được kê góc và cạnh phòng
Tự làm hút âm tần số trung và tần số cao

Tiếng trung và tiếng cao nhiều hoặc bị dội sẽ tạo ra cảm giác âm thanh oang oang, chát chúa hoặc giọng hát không được ngọt ngào, thiếu tình cảm. Để tiêu âm trung và cao, có thể sử dụng nguyên lý tấm hút tương tự tấm hút âm trầm nhưng có cấu tạo hơi khác. Một cách đơn giản nhất để tiêu tiếng trung và tiếng cao là mua những tấm mút gai (mousse, foam) thường được bán ở các hàng đệm với kích thước khoảng 180 x 120 x 6cm.

Từ tấm lớn xẻ ra làm 3 tấm nhỏ 60 x 120 x 6 cm đóng vào khung gỗ có đáy rồi treo dọc hai bên tường phòng nghe.
Mút trứng, mút gai hay được sử dụng như một cách tiêu âm tần số cao rất tốt.
Cũng có thể treo rèm nhung, rèm vải mềm và dày dọc theo các bức tường. rèm là hệ thống dễ làm nhất và hiệu quả hút âm trung, cao cũng rất tốt. Rèm càng dày, càng mềm, diện tích càng lớn khả năng hút âm càng xuống được các tần số thấp. Sử dụng rèm sẽ rất linh hoạt trong việc thay đổi liều lượng thẩm hút âm, phù hợp với thể tích căn phòng cũng như âm lượng theo yêu cầu.

Các tấm tán âm

Tấm tán âm thường được làm bằng gỗ, có bề mặt cứng nhưng lại có độ lồi lõm cao thấp khác nhau, mục đích làm cho âm thanh bị phản xạ theo nhiều hướng không đồng nhất. Tấm tán âm được đặt xen kẽ với các tấm tiêu âm phía tường sau loa và dọc theo 2 tường bên của phòng nghe. Mục đích của tấm tán âm là làm cho phòng nghe vẫn có độ vang âm nhất định nhưng âm phản xạ sẽ bị suy giảm rất nhiều, không ảnh hưởng xấu tới âm thanh trực tiếp.
Tấm tán âm nghệ thuật Thomas Labusga Sonic Diffuser
Kinh nghiệm xử lý âm học phòng nghe

Vật liệu hút âm được sử dụng nhằm giảm thiểu sự phản âm quá lớn gây ảnh hưởng xấu đến việc thưởng thức âm thanh. Tuy nhiên, việc xác định một “liều lượng” bao nhiêu là vừa đủ lại không dễ dàng. Về nguyên tắc là từ 15 – 30% tổng diện tích bề mặt của căn phòng cần phải đặt tiêu âm. Nhưng điều này phụ thuộc vào từng phòng nghe và mong muốn chủ quan của chính bạn. Nó cũng giống như bí quyết tăng giảm gia vị để tạo ra một món ăn ngon lành của một đầu bếp có tài vậy… Trong quá trình nghe thử, thấy cần phải điều chỉnh dải tần nào, bạn sẽ tự làm những thiết bị tương ứng để lắp đặt. Nên làm dần từ ít đến nhiều, vừa làm vừa nghe thử và hiệu chỉnh dần cho đến khi đạt kết quả tốt nhất.
Xử lý âm học là công việc mang tính nghệ thuật và khoa học. Mọi căn phòng đều có những thách thức riêng của nó. Để quá nhiều hoặc sử dụng sai vật liệu xử lý âm học sẽ có tác dụng xấu đến việc thưởng thức âm thanh. Cần lưu ý: nên sử dụng vật liệu đa dạng. Sử dụng quá nhiều một loại vật liệu sẽ làm cho âm thanh bị biến đổi. Ví dụ như dùng quá nhiều một loại vật liệu hút âm tốt ở khoảng tần số nào đó, sẽ làm cho âm thanh suy giảm quá nhiều ở dải đó, gây mất tính tự nhiên và cân bằng của âm thanh. Thông thường nên đặt các vật liệu tiêu âm và tán âm xen kẽ với nhau, hoặc tạo ra những mảng trống giữa chúng. Hãy nghe thử trong vòng một tuần. Tiếp tục hiệu chỉnh cho tới khi nào bạn cảm thấy ổn nhất.
theo tieuam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét